Giai thoại về nhân vật lịch sử có thật, nhà toán học lỗi lạc và thông minh dưới thời vua Lê Thánh Tông - Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Cùng MathX tìm hiểu bằng trí thông minh của mình, ông đã làm gì khiến cả đoàn sứ bộ phải ngả mũ thán phục.
Một lần sứ nhà Thanh là Chu Hy sang nước ta, vua Thánh Tông sai Lương Thế Vinh ra tiếp. Hy nghe đồn Lương Thế Vinh không những nổi tiếng về văn chương âm nhạc, mà còn tinh thông cả toán học nên mới hỏi:
- Có phải ông làm sách Đại thành toán pháp, định thước đo ruộng đất, chế ra bàn tính của nước Nam đó không?
Lương Thế Vinh đáp:
- Dạ, đúng thế!
Nhân có con voi rất to đang kéo gỗ trên sông, Chu Hy bảo:
- Trạng thử cân xem con voi kia nặng bao nhiêu!
- Xin vâng!
Dứt lời, Vinh xăm xăm cầm cân đi cân voi.
- Tôi xem chiếc cân của ông hơi nhỏ so với con voi đấy! - Hy cười nói.
- Thì chia nhỏ voi ra! Vinh thản nhiên trả lời!
- Ông định mổ thịt voi à? Cho tôi xin một miếng gan nhé!
Lương Thế Vinh tỉnh khô không đáp. Đến bến sông, trạng chỉ chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống. Thuyền đang nổi, do voi nặng nên đầm sâu xuống. Lương Thế Vinh cho lính lội xuống đánh dấu mép nước bên thuyền rồi dắt voi lên. Kế đó trạng ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, thuyền lại đầm xuống dần cho tới đúng dấu cũ thì ngưng đổ đá.
Thế rồi trạng bắc cân lên cân đá. Trạng cho bảo sứ nhà Thanh:
- Ông ra mà xem cân voi!
Sứ Tàu trông thấy cả sợ, nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh coi thường. Khi xong việc, Hy nói:
- Ông thật là giỏi! Tiếng đồn quả không ngoa! Ông đã cân được voi to, vậy ông có thể đo được tờ giấy này dày bao nhiêu không?
Sứ nói rồi xé một tờ giấy bản rất mỏng từ một cuốn sách dày đưa cho Lương Thế Vinh, Hy lại đưa luôn một chiếc thước.
Giấy thì mỏng mà li chia ở thước lại quá thô, Vinh nghĩ giây lát rồi nói:
- Ngài cho tôi mượn cuốn sách!
- Sứ đưa ngay sách cho Lương Thế Vinh với vẻ không tin tưởng lắm.
Lương Thế Vinh lấy thước đo cuốn sách, tính nhẩm một lát rồi nói bề dày tờ giấy.
Kết quả rất khớp với con số đã viết sẵn ở nhà. Nhưng sứ chưa tin tài Lương Thế Vinh, cho là ông đoán mò. Khi nghe Vinh nói việc đo này rất dễ, chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả thì sứ ngửa mặt lên trời than:
"Danh đồn quả không sai. Nước Nam quả có lắm người tài!"
Lương Thế Vinh quả là kỳ tài! Ông nghĩ ra cách cân đo tài tình ngay cả trong lúc bất ngờ, cần ứng phó nhanh chóng. Gặp vật to thì ông chia nhỏ, gặp vật nhỏ thì ông gộp lại. Phải chăng ý tưởng của Lương Thế Vinh chính là mầm mống của phép tính vi phân (chia nhỏ) và tích phân (gộp lại) mà ngày nay là những công cụ không thể thiếu được của toán học hiện đại.
------------------------------
Đôi điều về Lương Thế Vinh.
Lương Thế Vinh, còn gọi là Trạng Lường là một nhà toán học, Phật học, nhà thơ Việt Nam thời Lê Sơ. Ông đỗ Trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm.
Về toán học, Lương Thế Vinh đã để lại Đại thành Toán pháp và Khải minh Toán học. Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Ông cũng được xem là người chế ra bàn tính gẩy cho người Việt, lúc đầu làm bằng đất rồi bằng trúc, bằng gỗ, sơn màu khác nhau, đẹp và dễ tính, dễ nhớ. Các chuyện truyền miệng dân gian còn cho biết tài năng của ông được thể hiện từ khi nhỏ tuổi. Có giai thoại kể rằng một lần trong lúc đang chơi đùa với các bạn, có một quả bưởi lăn xuống một hố hẹp và sâu, tưởng như không lấy lên được. Lương Thế Vinh đã nghĩ ra cách lấy bưởi lên bằng việc đổ nước vào hố và lợi dụng việc bưởi nổi trên nước để lấy lại quả bưởi.
Ngoài công việc hàn lâm trong triều, Lương Thế Vinh còn là người thảo những văn thư ngoại giao với nhà Minh. Triều Minh thường khen ngợi những văn thư ngoại giao này. Lương Thế Vinh cũng sáng tác văn Nôm. Ông được cho là tác giả của Thập giới Cô hồn Quốc ngữ văn. Không chỉ vậy, ông còn nghiên cứu về âm nhạc dân gian, như hát chèo. Ông được vua Lê Thánh Tông giao cho việc chế định ra các lễ nhạc của triều đình.
Nguồn: ST
Mathchallenge.vn